Lưu trữ

Archive for Tháng Mười Hai, 2009

Phong trào hiến đất đổi chữ ở A Lưới

Đến năm 2009, đồng bào các dân tộc thiểu số huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã hiến hơn 21.000m2 đất canh tác để làm quỹ đất xây dựng các công trình phúc lợi. Trong đó xã Hồng Vân được nhiều người xem như một điểm sáng của phong trào tình nguyện “hiến đất đổi chữ” cho đồng bào.

 

Hiến “cần câu cơm” dù còn nhiều khó khăn

Đến thôn A Năm hỏi bà Kăn Đao ai cũng biết, kèm theo câu chỉ dẫn, “bà Đao hiến đất làm trạm xá ở cuối thôn”. Nhiều người còn bảo mẹ Đao liều, bởi chính việc mẹ đem hơn 2.000m2 đất canh tác hiến xây trạm xá xã.

Ở cái tuổi 65, hằng ngày mẹ Kăn Đao phải lo chạy ăn từng bữa, có lẽ tài sản quý giá nhất của mẹ là mảnh đất. Với khoảnh đất này, mẹ có thể sản xuất được 2 vụ sắn/ năm, cũng đủ đắp đổi qua ngày. Vậy mà khi nghe UBND xã vận động bà con hiến đất, bà liền “xung phong” biến mảnh đất của mình thành đất công. Chị Hồ Thị Tí, 27 tuổi, con dâu mẹ cho biết: “Ban đầu vợ chồng mình ngăn mẹ nhưng thấy mẹ nói có lý nên cũng ưng bụng”.

“Kỷ lục” hiến nhiều đất nhất thuộc về hộ dân Hồ Ngọc Bình với hơn 1 hecta cho xây dựng Trường THPT Hồng Vân. Với diện tích này, một trường cấp 3 đầy đủ khuôn viên đang dần mọc lên, dù trước đây mảnh đất này là nơi anh Bình dùng để trồng tràm.

Anh kể: “Học sinh học cấp 3 phải học ghép với học sinh cấp 2. Còn nếu học ở Trường THPT A Lưới phải đi xa hàng chục cây số. Thấy cảnh con em dậy từ 5 giờ sáng để chuẩn bị đi học, mình thương quá”. Chẳng cần phải đắn đo nhiều, mảnh vườn rộng 1ha được san bằng ngay sau đó.

Gia đình anh Hồ Ngọc Bình vốn dựa vào nghề mộc, vợ anh làm nương rẫy nên cuộc sống thiếu thốn. Năm trước, anh đầu tư 500 cây tràm sau vườn nhà, dự tính vài năm sau thu hoạch thì cũng được một khoản kha khá. Tràm mọc chưa đến thân người thì bị vùi dập để nhường chỗ cho Trường cấp 3 đầu tiên của các xã Hồng Thủy, Hồng Vân, Hồng Kim mọc lên.

Vượt lên những gánh nặng, lo toan về cơm áo, đồng bào các dân tộc thiểu số Pa Kôh, Tà Ôi, Cơ Tu xã Hồng Vân đã “thi nhau” hiến đất xây các công trình dân sinh. Một việc làm ít nơi nào có thể làm được, càng phi thường hơn khi những người hiến tặng là những người nghèo khổ vì cái lợi chung mà quên riêng

Chuyên mục:Tin giáo dục

Du ngoạn A Lưới

A Lưới – huyện vùng cao tỉnh Thừa Thiên Huế, nơi đường Hồ Chí Minh men theo các triền núi hùng vĩ với chiều dài tới 100 km qua 14 xã và thị trấn, đã được chọn là một điểm trên hành trình du lịch miền trung, quả có tiềm năng du lịch phong phú và đặc sắc.

A lưới không chỉ giàu những cánh rừng già đa dạng sinh học, những suối trong, thác đẹp cho hành trình du lịch sinh thái, mà còn giàu có di sản văn hóa nhiều mặt có thể lựa chọn làm sản phẩm cho du lịch văn hóa tộc người, du lịch ẩm thực, du lịch lịch sử – cách mạng… Ðường Hồ Chí Minh cùng quốc lộ 49 nối trung tâm huyện A Lưới với thành phố Huế và cửa khẩu quốc gia sang tỉnh Salavan, mai kia có thêm cửa khẩu sang tỉnh Sê Kông của nước bạn Lào, đã tạo ra hạ tầng cơ bản cho phát triển kinh tế du lịch.

Những người thám sát tiềm năng du lịch đã ngạc nhiên thích thú khi chiêm ngưỡng chuỗi thác liên hoàn A Nôr (xã Hồng Kim), hay thác Pông Chất, nghe ầm ào thác đổ triền miên như tiếng vọng ngàn đời từ rừng sâu núi thẳm, choáng ngợp trước những ngọn thác bạc phóng khoáng và hùng vĩ ngời lên dưới nắng. Muốn thăm hang động ư, thì đến hang Kềnh Crâm (xã A Roàng), chiêm ngưỡng tầng tầng lớp lớp tác phẩm tạo hình lạ mắt bằng thạch nhũ. Tắm suối dưỡng sinh thì có suối nước nóng Tôm Trung. Du ngoạn hồ, sau này dịch vụ mở mang sẽ bơi thuyền, câu cá, bơi lặn… thì có hồ mặt nước ngầm A Co (xã Phú Vinh, Hồng Thượng), v.v. Du ngoạn trên sông ngắm hai bờ xanh cây trái thì có những dòng xanh êm ả bao quanh thung lũng A Lưới như A Sáp, A Lin, Tà Rình… Du ngoạn thám hiểm rừng nguyên sinh thì có khu đa dạng sinh học là dãy rừng nguyên sinh chạy dọc hai bên đường Hồ Chí Minh.

Hiện giờ, một số “tua” du ngoạn đã mở. Khu du lịch sinh thái A Nôr quanh năm mờ ảo dưới mây mù, dưới trời lửa mùa hè gió tây vẫn mát lành dễ chịu, chỉ cách trung tâm huyện 3 km, đã khoanh trên 10 ha, đầu tư hàng chục tỷ đồng tạo dựng cơ ngơi khá tiện nghi đón khách. Khách được tận hưởng những giờ phút đầy cảm khái trên hành trình khám phá hoang sơ khi thăm ba ngọn thác liên hoàn nước dội vang lừng trên ba tầng núi với các độ cao 8 m, 60 m và 120 m. Dân của làng mới Việt Tiến hiếu khách và tận tình dẫn khách thăm thác, thăm rừng, vui lòng dành những gian phòng rộng đón khách nghỉ qua đêm.

Cũng trên hành trình thăm thác A Nôr, du khách được hướng dẫn ngoạn đèo Pê Ke, là ranh giới giữa dãy Trường Sơn Ðông với Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Ðiền, con đèo dài 800 m thơ mộng hơn là hiểm trở, bởi độ dốc thoai thoải với mây trắng và sương mù bềnh bồng vây vít. Qua đèo một đoạn lại gặp cảnh trí lạ mắt hơn với dốc Con Mèo, đồi Con Cọp, trước khi đến thăm cửa khẩu Hồng Vân, là giao điểm các tua du lịch DMZ Quảng Trị – Lào – Thái-lan. Hành trình du lịch này còn có các đường nhánh dẫn khách đi thăm các di tích lịch sử, thăm chiến trường xưa.

Thăm rừng nguyên sinh hiện giờ, khách có thể đến xã A Roàng, cách trung tâm huyện 30 km, nơi gìn giữ cánh rừng nguyên sinh tiêu biểu rộng 3.000 ha với các hệ động vật, thực vật quý hiếm. Rừng thẳm còn ẩn chứa những bất ngờ của thiên nhiên – những thác đẹp và vực sâu chờ con người khám phá. Thăm rừng, và thăm hai hầm đường bộ trên đường Hồ Chí Minh, trước khi đi tắm suối khoáng

A Roàng, nước nóng 60-70 độ C chứa nhiều khoáng chất có lợi cho sức khỏe.

A Lưới được tỉnh Thừa Thiên Huế đưa vào danh mục dự án đầu tư phát triển du lịch với tổng số vốn 25 triệu USD (từ nay đến năm 2020). Thế nghĩa là tiềm năng đa dạng của thiên nhiên và lịch sử một vùng chiến địa năm xưa được đánh thức để xóa nghèo, làm giàu cho dân A Lưới.
 

Chuyên mục:Du lịch ALưới

CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC TRONG HOẠT ĐỘNG Y TẾ Ở HUYỆN MIỀN NÚI A LƯỚI

CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC TRONG HOẠT ĐỘNG Y TẾ Ở HUYỆN MIỀN NÚI A LƯỚI

Là một huyện miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế, đời sống xã hội của A Lưới gặp nhiều gian khó. Số hộ nghèo còn cao. Thế nhưng, đi thực tế, chúng tôi ghi nhận những chuyển biến đáng tích cực trong công tác y tế, chăm sóc sức khỏe người dân nơi đây…

Về A Lưới trong những ngày này, chúng tôi ghi nhận nhiều biến đổi tích cực trong hoạt động khám chữa bệnh nơi đây. Trao đổi với chúng tôi, bác sỹ Lê Quang Phú, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, công tác khám chữa bệnh trong huyện có nhiều chuyển biến tích cực và đạt những thành tích đáng ghi nhận. Chuyển biến rõ nhất là nhận thức của người dân về khám chữa bệnh tăng lên nhanh. A Lưới là huyện nghèo nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đường xá cách trở. Địa hình chủ yếu là đồi núi. Người dân chủ yếu là dân tộc thiểu số. 90% người dân trong huyện là người Cơ Tu, Pa Kô, Tà Ôi. Nhận thức của người dân về sức khỏe còn rất lờ mờ. Khi có bệnh, người dân thường tự điều trị bằng những loại cây cỏ xung quanh. Bệnh nặng, người dân thường mời thầy lang, bà cốt về chữa trị. Họ chỉ tìm đến các cơ sở y tế khi bệnh đã quá nặng. Nhiều người đã tử vong vì không đến các cơ sở y tế kịp thời. Điều này là cản trở lớn nhất trong công tác y tế ở huyện miền núi A Lưới. Nhận thức được điều này, các cán bộ Trung tâm Y tế huyện A Lưới đã thường xuyên đến với người dân. Quyết tâm từ lãnh đạo, cán bộ đến bác sỹ của Trung tâm Y tế A Lưới là “Nỗ lực tối đa trong hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về cách nhận biết dấu hiệu dịch bệnh và đi đến các cơ sở y tế khi có những dấu hiệu ban đầu của việc suy giảm sức lực”. Vừa tuyên truyền bằng hình ảnh, vừa đưa những ví dụ minh họa điển hình, các cán bộ y tế A Lưới đã giúp người dân nâng cao kiến thức về sức khỏe. Số người tìm đến Trạm y tế xã, cơ sở y tế công lập đã tăng lên rõ rệt.

Minh họa điều trên, bác sỹ Lê Quang Phú dẫn ra số liệu khám chữa bệnh của huyện trong 6 tháng đầu năm 2009. Công tác khám chữa bệnh của huyện có nhiều bước phát triển mới. Tổng số lượt bệnh nhân đến khám là 41.966,  tăng 7,8% so với cùng kỳ. Tổng số bệnh nhân điều trị nội trú tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước. Công suất sử dụng giường bệnh tăng 9%. Ngày điều trị trung bình giảm 20%. Tỷ lệ phẩu thuật tăng 14,8%. Bệnh nhân chuyển tuyến giảm 6,3%. Số ca phẫu thuật tăng 45,8%…

Bên cạnh việc làm tốt công tác khám chữa bệnh, Trung tâm Y tế huyện A Lưới có nhiều hoạt động hỗ trợ, phân công cán bộ của Trung tâm xuống Trạm y tế xã tham gia các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Cán bộ, bác sỹ của Trung tâm luôn thực hiện tốt 12 Điều Y đức, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và thái độ nhiệt tình phục vụ người bệnh. Các bác sỹ luôn đảm bảo giờ trực 24/24, xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu nội, ngoại viện, nhận bệnh, khám bệnh, cấp phát thuốc kịp thời không để bệnh nhân chờ đợi. Phòng kế hoạch nghiệp vụ của Trung tâm thường xuyên kiểm tra hồ sơ bệnh án, góp ý kiến và trả về khoa phòng bổ sung những thiếu xót.

Công tác phòng chống nhiễm khuẩn được đơn vị chú trọng, 6 tháng đầu năm, Trung tâm Y tế huyện A Lưới đã mua bổ sung thêm trang thiết bị phục vụ công tác phân loại rác thải theo quy định. Hiện tại đơn vị đang thực hiện đốt rác qua hố đào thủ công. Đơn vị đã thành lập đội thu dung, điều trị cúm A(H1N1), sắp xếp lại phòng ốc, dự trù mua sắm trang thiết bị, thuốc men, hóa chất phục vụ sẵn sàng khi có dịch xảy ra.

Theo bác sỹ Lê Quang Phú, Trung tâm thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác khám chữa bệnh định kỳ các khoa phòng trong Bệnh viện đa khoa huyện để chấn chỉnh kịp thời những thiếu xót, hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra. Trung tâm Y tế huyện kiểm tra, đôn đốc các hoạt động tại các trạm y tế để chấn chỉnh kịp thời công tác khám bệnh, chẩn đoán, kê đơn tại cơ sở nhằm hạn chế những sai xót về chuyên môn, nâng cao chất lượng điều trị. Ngoài ra, các chương trình luôn chủ động xây dựng kế hoạch giám sát tại các trạm y tế xã, thị trấn như chương trình lao, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phục hồi chức năng, mắt, tâm thần. Tại đơn vị luôn phản hồi kịp thời cho cơ sở những bệnh nhân chuyển tuyến lên trung tâm y tế khi có chẩn đoán, điều trị chưa hợp lý qua điện thoại hoặc qua giao ban trưởng trạm hàng tháng. Hoạt động của các trạm y tế cơ sở trong huyện đã có nhiều bước tiến. Các trạm y tế đã đi vào hoạt động có nề nếp, tinh thần trách nhiệm của cán bộ công chức được nâng cao, ý thức xây dựng mạng lưới y tế cơ sở ngày càng hoàn thiện hơn, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại trạm.

Với Đề án phủ kín bác sỹ cho các xã, chất lượng khám chữa bệnh đã được nâng cao, các trạm y tế đã phối hợp với các Đồn quân y trên địa bàn nên mạng lưới quân- dân y ngày càng hoàn thiện, chủ động và đạt kết quả cao trong công tác. Hệ thống cơ sở vật chất được xây mới, nâng cấp, trang thiết bị, cơ số thuốc được cung ứng đầy đủ, đặc biệt hệ thống y tế xã đã được trang bị hệ thông vi tính hoàn chỉnh. Hiện tại, toàn huyện đã có 15 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia. Dự kiến trong năm 2009 sẽ có thêm 3 trạm y tế xã đạt chuẩn y tế quốc gia.

Về phương hướng hoạt động trong thời gian tới, bác sỹ Lê Quang Phú cho biết, Trung tâm Y tế huyện A Lưới tiếp tục thực hiện Chỉ thị 06/CT của Ban bí thư TW, Kế hoạch số 18/KH- TU của Tỉnh ủy và Nghị quyết của HĐND tỉnh về củng cố hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao chất lượng hoạt động của bác sỹ tăng cường; Tiếp tục thực hiện chuẩn y tế quốc gia theo Quyết định số 370/2001/QĐ- BYT của Bộ Y tế, chỉ đạo các trạm y tế đạt chuẩn duy trì danh hiệu, đề nghị các trạm y tế còn lại chấn chỉnh công tác khám chữa bệnh, hồ sơ, sổ sách, báo cáo, thanh toán kinh phí các chương trình đúng thời hạn, hoàn chỉnh vườn thuốc nam đạt chuẩn quốc gia; Tiếp tục triển khai các Quyết định của Thủ tướng chính phủ về: Chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dân giai đoạn 2001- 2010; Chiến lược quốc gia chăm sóc sức khỏe sinh sản giai đoạn 2001- 2010; Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2001- 2010. Các quyết định, nghị quyết liên quan đến sự nghiệp chăm sóc bảo vệ sức khỏe ban đầu cho người dân; Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05/CT- BYT về công tác chăm sóc sức khỏe toàn diện, quán triệt thực hiện tốt 12 điều y đức trong toàn thể cán bộ viên chức nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn. Phát huy những sáng kiến cải tiến kỹ thuật, triển khai đề tài nghiên cứu khoa học, áp dụng những kỹ thuật mới nhằm nâng cao công tác khám, điều trị. Tiếp tục củng cố, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, tăng cường công tác đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, quản lý cho tuyến y tế cơ sở, đào tạo bác sỹ sơ bộ chuyên khoa răng hàm mặt, chuyên khoa Nhi, đào tạo lại cho cán bộ tại trung tâm.

Việc kiểm tra, giám sát cũng sẽ được đẩy mạnh. Theo đó, Trung tâm tăng cường công tác kiểm tra giám sát các quy chế về chuyên môn như: chăm sóc toàn diện, chống nhiễm khuẩn bệnh viện, chế độ bệnh án, chế độ kê đơn, cấp thuốc, hội chẩn; Cung cấp đủ thuốc men theo đấu thầu cho các khoa phòng tại trung tâm, các xã và đảm bảo chất lượng, chủng loại nhằm nâng cao công tác khám, điều trị; Chuẩn bị kế hoạch đào tạo lại nghiệp vụ chuyên môn, phòng chống nhiễm khuẩn đặc biệt tập huấn về “Hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý trong công tác chăm sóc người bệnh”, “Hướng dẫn chế độ ăn bệnh viện” cho bác sỹ và điều dưỡng tại trung tâm; Tiếp tục tổ chức phòng chống bệnh nguy hiểm: Cúm A(H1N1), dịch tiêu chảy cấp, chuẩn bị sẵn sàng khu điều trị cách ly về trang thiết bị, hóa chất, thuốc men để thu dung điều trị bệnh nhân khi có dịch xảy ra trên địa bàn huyện. Thực hiện các hoạt động của Chương trình “Chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh liên  tục từ nhà đến bệnh viện” do tổ chức SCUS của Mỹ tài trợ và Dạ án của Qũy toàn cầu về Phòng chống sốt rét, Dự án phòng chống Lao, Dự án VAHIP…

Bài và ảnh: Trọng Tiến
Ảnh: Hướng dẫn khám chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện A Lưới

Chuyên mục:Tin y tế

A Lưới cựa mình

Tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, giáp hai tỉnh Sa-la-van và Sê Công của nước bạn Lào, A Lưới là huyện vùng cao của tỉnh Thừa Thiên- Huế có diện tích tự nhiên 122.900ha với 38.258 nhân khẩu. Trong đó có các dân tộc chính  là  Cơ Tu, Tà Ôi, Kinh… sinh sống ở 20 xã và 1 thị trấn.

Đường Hồ Chí Minh chạy qua đã làm thay đổi bộ mặt thị trấn A Lưới.

Nơi đây là thượng nguồn của 5 con sông lớn, trong đó có 2 sông chảy sang Lào là Asáp và Alin, 3 con sông chảy sang Việt Nam là Đakrông, sông Bồ và sông Hương. Tất cả tạo cho A Lưới vị trí địa lý kinh tế, quốc phòng-an ninh quan trọng của tỉnh và khu vực Bắc Trung Bộ. A Lưới cũng là một trong 62 huyện nghèo của cả nước được thụ hưởng chương trình hỗ trợ theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

nguời dân đến khám bệnh tại Trung tâm y tế huyện.

Thị trấn A Lưới nằm cách thành phố Huế 70km về phía tây. Từ khi đường Hồ Chí Minh-con đường huyền thoại-được xây dựng mới chạy dọc theo huyện lỵ A Lưới, thị trấn miền sơn cước này phát triển từng ngày.

Bài, ảnh: TRƯỜNG GIANG

Phố dưới chân Trường Sơn

Từ một vùng đất nghèo miền sơn cước, phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại, thế nhưng A Lưới đang “lột xác” và “thay da, đổi thịt” từng ngày, điều đó càng khẳng định được tiềm năng ở vùng đất phía Tây của tỉnh. Những thành quả đạt được trong tiến trình đô thị hoá với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Chính phủ và tỉnh Thừa Thiên Huế trong nhiều năm qua, là tiền đề để A Lưới tranh thủ, huy động mọi nguồn lực phấn đấu xây dựng trở thành một đô thị phía Tây của Huế trên trục đường Hồ Chí Minh.
 Định hướng phát triển
    Nằm trong đề án phát triển đô thị A Lưới, ngoài lấy khu vực thị trấn làm đô thị hạt nhân, huyện A Lưới xác định xây dựng 4 vệ tinh chiến lược trong định hướng mở rộng quy hoạch đô thị. Trong đó, Hồng Vân là một điểm vệ tinh quan trọng. Hồng Vân là địa phương có công trình thuỷ điện A Lin và cửa khẩu Hồng Vân – Cu Tai (S3). Đây là khu vực có điều kiện thuận lợi mở ra hướng phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và tiến đến quy hoạch phát triển công nghiệp trải dài trên địa bàn 2 xã Hồng Vân và Hồng Trung của huyện A Lưới. Vệ tinh thứ 2 được xác định gồm các xã A Đớt, Đông Sơn, Hương Phong – Hương Lâm và A Roàng, kéo dài từ ngã ba Hương Lâm – Đông Sơn đến cửa khẩu A Đớt (S10), lấy Hương Lâm làm trung tâm. Khu vực này gắn liền với tiềm năng của khu kinh tế cửa khẩu A Đớt và định hướng phát triển cụm công nghiệp, làng nghề đang được huyện tiến hành quy hoạch. Đánh giá được tiềm năng nơi đây, huyện còn có chủ trương hình thành khu chợ biên giới để khai thác các thế mạnh của điểm vệ tinh này. Hồng Hạ và Hương Nguyên được xác định là khu vực cửa ngõ của đô thị A Lưới nối với Huế trên tuyến Quốc lộ 49A – khu vực có nhà máy thuỷ điện A Lưới đóng trên địa bàn. Từ vị trí chiến lược đó, huyện tiến hành quy hoạch điểm vệ tinh này với quy mô từ 15-20ha, sẽ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, tôn tạo cảnh quang và định hướng phát triển các loại hình dịch vụ cung cấp các sản phẩm truyền thống của địa phương, phát triển dịch vụ công nghiệp, thương mại, góp phần chuyển dịch theo hướng tăng dần lao động phi nông nghiệp trong khu vực. Vệ tinh thứ 4 được quy hoạch gồm các xã Nhâm, Hồng Quảng, Hồng Thái, Hồng Bắc và lấy Hồng Quảng làm trung tâm. Các xã phía Tây này, hiện đang giàu tiềm năng về trồng cây cà phê nông hộ. Đặc biệt, xã Nhâm có diện tích tương đối rộng có thể quy hoạch phát triển vùng sản xuất chuyên canh các loại cây trồng mang tính hàng hoá với quy mô gần 600ha. Đáng lưu ý hơn, đây là khu vực thuộc vùng lòng hồ thuỷ điện A Lưới, nên sẽ mở ra tiềm năng khai thác dịch vụ, du lịch sinh thái ở lòng hồ thuỷ điện, kéo dài từ xã Hồng Thái về đến hết địa giới hành chính của xã Nhâm. Đó là các thế mạnh cho điểm vệ tinh thứ tư này.

Ông Hồ Chí Thời, Chủ tịch UBND huyện A Lưới nói rằng: “Riêng đối với đô thị hạt nhân là thị trấn A Lưới, sẽ được quy hoạch phát triển từ phía Bắc giáp xã Hồng Kim, mở rộng về phía Nam bao gồm toàn bộ diện tích đất và dân số của các xã A Ngo, Sơn Thuỷ, Hồng Thượng và một phần của xã Phú Vinh (tức là từ thị trấn A Lưới về đến Bốt Đỏ). Huyện phấn đấu xây dựng nâng thị trấn A Lưới từ đô thị loại 5 lên đô thị loại 4, trở thành trung tâm hành chính, kinh tế, đủ sức lan toả đến các vệ tinh khác, tác động và tạo đà cho các vệ tinh này phát triển, đưa A Lưới trở thành thị xã trong tương lai, với trung tâm đô thị tập trung phát triển dịch vụ, thương mại… và đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện ở các vùng ngoại thị”.


A Lưới trên đà đô thị hóa


Phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực

Để tạo tiền đề thực hiện quy hoạch phát triển đô thị trên địa bàn, trong những năm qua, cùng với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ giúp đỡ của Trung ương và của tỉnh, A Lưới tập trung nguồn lực đầu tư rất nhiều cho cơ sở hạ tầng như đường giao thông, trường học, trạm y tế… Anh Ngô Duy Hoàng, Giám đốc Ban Đầu tư – Xây dựng huyện A Lưới cho biết: “Huyện đang tập trung cho dự án đầu tư xây dựng hệ thống đường nội thị thị trấn A Lưới gồm 2 giai đoạn với tổng vốn thực hiện gần 8,4 tỷ đồng, nhằm hoàn thiện về hạ tầng giao thông của đô thị hạt nhân trong định hướng quy hoạch”. Ngoài ra, đối với các dự án chỉnh trang đô thị, huyện tiến hành triển khai gắn với việc giải toả, quy hoạch định canh định cư cho các hộ dân chịu ảnh hưởng bởi các công trình thuỷ điện. Ông Hồ Chí Thời nói rằng: “Hạ tầng các khu tái định cư đòi hỏi phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu dân sinh và phù hợp với qúa trình phát triển. Việc phân bổ dân cư cũng phải tính đến hiệu quả khai khác các tiềm năng, thế mạnh của mỗi vệ tinh trong qúa trình quy hoạch. Tiến trình thực hiện đô thị, huyện cũng rất quan tâm đến việc sắp xếp lại hệ thống nghĩa trang, nghĩa địa, quy hoạch các công trình phúc lợi, chợ dân sinh, nhà văn hoá, trung tâm thể thao, công viên, hệ thống cây xanh… để đảm bảo các tiêu chí về đô thị vệ tinh trong định hướng phát triển”.

Nhằm tạo sự tương tác thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng và phát triển kinh tế, huyện đã tiến hành quy hoạch cụm công nghiệp, làng nghề tại khu vực A Co – Hồng Thượng với quy mô 20ha. Trong đó, tập trung phát triển các cơ sở chế biến cao lanh, nhà mày gạch Tuynel; đồng thời tổ chức lại các ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, may mặc, tranh thủ du nhập nghề mộc mỹ nghệ, sản xuất đũa, tăm tre xuất khẩu. Tại cụm công nghiệp làng nghề này, còn cho phép hình thành các nhà mày chế biến nông sản, để tiến đến hình thành cơ sở chế biến cà phê, thu mua và sơ chế mũ cao su nhằm tạo động lực phát triển cho các địa phương có tiềm năng về cây công nghiệp. Ông Thời cho biết thêm, bên cạnh thúc đẩy phát triển các lĩnh vực đó, huyện đã phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường lập dự án quy hoạch tổng thể để xác định trữ lượng và đánh giá chất lượng các loại khoáng sản, nhằm tạo cơ chế quản lý, thu hút đầu tư khai khoáng trên địa bàn.

Đặt vấn đề về giải pháp để thực hiện quy hoạch, khi mà các điểm vệ tinh này đòi hỏi phải hội đủ các tiêu chí của một đô thị, Chủ tịch UBND huyện Hồ Chí Thời chắt lưỡi: “Khó khăn là nguồn vốn quy hoạch và vốn đầu tư theo quy hoạch, đặc biệt là vốn đầu tư kết cấu hạ tầng như đường giao thông, trường học, trạm y tế;  hệ thống cấp, thoát nước; hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh… ở các điểm vệ tinh chiến lược này. Trong những năm qua, mặc dù được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh rất lớn; tuy nhiên, do xuất phát điểm của A Lưới, nên đến nay việc phát triển vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Với các mục tiêu và điều kiện như vậy, địa phương rất cần sự quan tâm từ Chính phủ, như kết luận của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong chuyến thăm và làm việc trước đây tại tỉnh ta là nên dành cho A Lưới một khoản ODA để A Lưới có đủ nguồn lực phát triển nhanh hơn, xứng đáng trở thành đô thị phía Tây của Huế trên trục đường Hồ Chí Minh”.

Bài, ảnh: Bá Trí (Báo Thừa Thiên Huế)

Động lực cho A Lưới

Theo định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị của A Lưới, để góp phần cùng với tỉnh thực hiện “Đề án xây dựng phát triển Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020”, huyện A Lưới đang phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là xây dựng hạ tầng giao thông để làm thay đổi bộ mặt thành thị, nông thôn, tạo “đòn bẩy” nhằm khai thác các tiềm năng, thế mạnh đưa huyện nhà ngày một phát triển.
Tạo “đòn bẩy” cho A Lưới
    Tuyến đường Hồ Chí Minh được đầu tư đi qua trên địa bàn huyện, đã làm thay đổi rõ rệt bộ mặt đô thị của A Lưới. Sự thông thương, giao lưu hàng hoá thuận lợi mà tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua thị trấn tạo ra, đã góp phần thúc đẩy làm tăng trưởng kinh tế, xã hội ở địa phương. Năm 2008, tốc độ tăng giá trị sản xuất của A Lưới đạt 13%; giá trị sản xuất công nghiệp -TTCN đạt 2.500 triệu đồng, tăng 10,3% so với năm trước. Hệ thống các cây xăng dầu trên địa bàn ngày càng phát triển mạnh, tại thị trấn A Lưới đã hình thành tiểu cụm công nghiệp – TTCN với quy mô từ 5-7ha, cho thấy đã mở ra tiềm năng phát triển đúng hướng của đô thị hạt nhân là trung tâm hành chính, kinh tế tập trung phát triển dịch vụ, thương mại…

Bên cạnh đó, ngày 17-3, trong buổi giao ban trực tuyến với tỉnh Thừa Thiên Huế, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đầu tư dự án đường La Sơn – Nam Đông, bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Tuyến đường này có quy mô xây dựng đồng mức với Quốc lộ 1A, dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay và cũng sẽ là tuyến đường nối với cửa khẩu S10 sau này. Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý bố trí vốn để hoàn thành đường 74 A Lưới – Nam Đông; đồng thời, đề nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính bổ sung vốn vào danh mục vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2 để thực hiện mở rộng Quốc lộ 49A Huế – A Lưới. Đây là tín hiệu đáng mừng và là động lực rất lớn giúp A Lưới hội đủ điều kiện khai thác và phát huy được tiềm năng thế mạnh của mình trong tiến trình thực hiện đô thị hoá.

Ông Hồ Chí Thời, Chủ tịch UBND huyện phấn khởi thông tin thêm: Vừa qua, Bộ Xây dựng đã thống nhất với tỉnh về việc mở rộng tuyến đường từ cửa khẩu S10 về đến Bốt Đỏ để sớm hình thành cụm công nghiệp, thương mại theo định hướng phát triển của địa phương… “Đòn bẩy” cho địa phương đã thấy rõ, cái mà A Lưới đang cần hiện nay là sự năng động để tập trung khai thác phát huy tiềm năng vốn có của mình.

Cơ chế để huy động nguồn lực
Giao thông thuận lợi sẽ làm thay đổi bộ mặt đô thị, nông thôn, tạo điều kiện để A Lưới khai thác các tiềm năng, lợi thế, đưa huyện nhà ngày một phát triển bền vững. Vấn đề đặt ra là huyện cần xác định lại cơ cấu kinh tế và có chính sách kích cầu thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hỗ trợ cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch dịch vụ, thương mại… Gắn với công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư phát triển các lĩnh vực này, huyện còn cần có cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân đầu tư phát triển công nghiệp – TTCN để khôi phục những ngành nghề truyền thống, du nhập những ngành nghề mới ngoài địa phương và phát triển nghề chế biến hàng nông sản theo hướng sản xuất hàng hoá. Ông Hồ Chí Thời khẳng định: “Huyện sẽ có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và tư nhân đầu tư phát triển kinh tế, nhất là các lĩnh vực dịch vụ thương mại, du lịch, công nghiệp – TTCN, dịch vụ phục vụ nông nghiệp, các ngành nghề nông thôn nhằm khai thác các thế mạnh của địa phương. Ưu tiên đầu tư hạ tầng để hình thành và phát triển các khu du lịch sinh thái, gắn với phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ…”. Bên cạnh đó, nhận thấy huyện cần tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện, xây dựng các điểm vệ tinh theo hướng hình thành một số vùng kinh tế nông – lâm nghiệp gắn với du lịch, dịch vụ.


Dịch vụ thương mại ở A Lưới đang ngày càng phát triển

Và, sẽ là thiếu sót nếu như không nói đến việc địa phương phải định hướng chuyển dịch theo hướng tăng dần lao động phi nông nghiệp. Đây là vấn đề không thể thiếu đi trong quá trình đô thị hoá, khi mà địa phương đang có các công trình thuỷ điện có công suất lớn đầu tư trên địa bàn. Trong đó, phải kể đến như dự án thuỷ điện A Lưới, với tổng vốn đầu tư là 3.234 tỷ đồng, có công suất lắp đặt máy 170MW, sản lượng điện bình quân hàng năm ước đạt 686,5 triệu KWh. Ngoài ra, huyện cũng đang quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp – TTCN. Anh Nguyễn Đức Phong, Trưởng phòng Công Thương huyện A Lưới khẳng định: Huyện đang tranh thủ các dự án khuyến công nhằm phối hợp tổ chức công tác đào tạo các ngành nghề theo nhu cầu, để chuyển dịch dần theo hướng tăng lao động phi nông nghiệp, đáp ứng xu thế phát triển trong lĩnh vực công nghiệp – TTCN ở địa phương hiện nay.

Thay lời kết
Khi các công trình thuỷ điện, các khu kinh tế cửa khẩu đi vào hoạt động, các tuyến đường quốc tế với Lào được xây dựng và khai thông, A Lưới sẽ sôi động với vai trò là một trong các đầu mối giao thương quan trọng của tuyến hành lang Đông – Tây.

Thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh, A Lưới phát huy nội lực xây dựng kết cấu hạ tầng, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Vấn đề quan tâm là đảm bảo hạ tầng gắn với việc khai thác tuyến đường Hồ Chí Minh và 2 cửa khẩu S3 và S10. A Lưới cần khai thác tối đa nguồn vốn hỗ trợ đầu tư của Trung ương, của tỉnh đối với phát triển cơ sở hạ tầng ở các khu vực vệ tinh, các khu kinh tế cửa khẩu, cụm công nghiệp, làng nghề theo quy hoạch. Tích cực phát triển thị trường, nhất là thị trường nông thôn, tạo điều kiện hỗ trợ tiêu thụ hàng hoá nông sản và phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là ở các khu vực vệ tinh chiến lược, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng dần lao động phi nông nghiệp và trở thành một vùng đất năng động của tỉnh.

Để A Lưới phát triển xứng tầm với vị thế là đô thị phía Tây của Huế, ngoài nỗ lực của địa phương, A Lưới rất cần sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.


Bài, ảnh: Bá Trí (Báo Thừa Thiên Huế)

Thừa Thiên Huế phát động Ngày Thế giới Phòng chống Sốt rét

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Sáng ngày 24/04/2009, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Lễ Phát động hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng chống Sốt rét 25 tháng 4 tại trung tâm huyện A Lưới, một huyện trọng điểm sốt rét ở vùng cao, biên giới. Đây là một hoạt động để nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi cho cộng đồng người dân tự bảo vệ phòng chống bệnh nhằm mang lại sức khoẻ được đầy đủ và tốt hơn.

 

Huyện vùng cao, biên giới A Lưới

A Lưới là một huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Thừa Thiên Huế giáp ranh với hai tỉnh Xaravan và Xêkông thuộc nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Diện tích 1.229,02 km2; có 21 xã, thị trấn, 133 thôn bản với dân số 42.449 người; trong đó có hơn 81% đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống tại đây như Pakô, Tàôi, Katu, Vân Kiều, Pahy, Mường, Tày, Nùng … Đường biên giới Việt-Lào dài khoảng 85 km qua 12 xã vùng biên, có hai cửa khẩu S3 Hồng Vân và S10 A Đớt. Ngoài ra còn có cửa khẩu La Lay của tỉnh Quảng Trị cài xen vào xã Hồng Thủy ở phía Bắc huyện. Đuờng Hồ Chí Minh đi ngang qua địa phận huyện A Lưới dài 106 km gồm ba địa đoạn: địa đoạn từ xã Hồng Thủy giáp ranh với tỉnh Quảng Trị ở phía Bắc đến xã A Đớt ở phía Nam, địa đoạn chuyển hướng từ xã A Đớt đến xã A Roằng và địa đoạn từ xã A Roằng mở mới qua rừng nguyên sinh xuyên 2 hầm nối với thôn A Tép thuộc xã Bhalee, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Huyện vùng cao, biên giới A Lưới thuộc vùng sốt rét lưu hành nặng và vừa trong phân vùng dịch tễ sốt rét can thiệp. Hàng năm số bệnh nhân sốt rét tại đây chiếm hơn 60% số người mắc sốt rét của toàn tỉnh. A Lưới có thể nói là thủ phủ của người dân tộc thiểu số Pakô và trong năm 2009 một sự kiện lịch sử quan trọng được xác định và công nhận dân tộc Pakô sẽ chính thức trở thành dân tộc thứ 55 trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Vì vậy việc tổ chức Lễ Phát động toàn dân hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng chống Sốt rét 25 tháng 4 năm 2009 tại huyện A Lưới có một ý nghĩa vô cùng to lớn đối với địa phương.

   
 Học sinh tham gia Lễ Phát động Ngày Thế giới  Phòng chống Sốt rét 25 tháng 4

Lễ Phát động Ngày Thế giới Phòng chống Sốt rét 25 tháng 4

Vào sáng ngày 24/4/2009, tại tiền sảnh Nhà Văn hóa Trung tâm huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Phòng chống Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn phối hợp với Trung tâm Y tế, các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, huyện tổ chức Lễ Phát động toàn dân hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng chống Sốt rét. Tại buổi Lễ Phát động, có sự tham dự của Ths. Bs. Dương Quang Minh, Phó Bí thư Đảng ủy Cơ quan Y tế, Phó Giám đốc Sở Y tế, lãnh đạo và cán bộ, viên chức của Trung tâm Phòng chống Sốt rét-Ký sinh trùng; đại diện các Phòng chức năng và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Sở Y tế. Đối với huyện A Lưới, có sự tham dự của đại diện Thường vụ huyện ủy, Thường trực Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ban Tuyên giáo huyện ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam huyện, Phòng Y tế, Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, Hội Phụ nữ, Phòng Giáo dục đào tạo, Phòng Văn hóa-Thông tin, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ban Chỉ huy huyện đội, Chỉ huy và Bệnh xá trưởng Đoàn Kinh tế Quốc phòng 92, Chỉ huy và quân y các Đồn Biên phòng 627 cửa khẩu Hồng Vân, 629, 633 cửa khẩu A Đớt, 637; Ban Giám hiệu và toàn thể học sinh Trường Trung học cơ sở thị trấn A Lưới, Trưởng Trạm Y tế xã, thị trấn, Ban Giám đốc và cán bộ, viên chức của Trung tâm Y tế. Đến tham dự Lễ Phát động và đưa tin còn có lãnh đạo, các phóng viên củaTrung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Huế, Đài Phát thanh-Truyền hình Thừa Thiên Huế, Báo Thừa Thiên Huế, Báo Thanh Niên, Báo Tuổi Trẻ, Đài Phát thanh-Truyền hình huyện A Lưới, Trung tâm Truyền Thông-Giáo dục sức khoẻ tỉnh. Nhân dân ở thị trấn A Lưới và các xã lân cận cũng đã đến tham gia, hưởng ứng.

 
 Văn nghệ chào mừng Lễ Phát động Ngày Thế giới PCSR 25/4

Trong buổi Lễ Phát động, có sự phát biểu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Tân, thay mặt lãnh đạo Huyện ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân huyện A Lưới; Bs. Nguyễn Võ Hinh, Giám đốc Trung tâm Phòng chống Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng; Ths. Bs. Dương Quang Minh, Phó Giám đốc Sở Y tế. Sau buổi Lễ Phát động, đoàn diễu hành cổ động bằng xe ô tô, mô tô mang băng, cờ, khẩu hiệu, loa phóng thanh đi tuần hành từ Nhà Văn hóa Trung tâm huyện theo tuyến đường Hồ Chí Minh ra phía Bắc đến xã Hồng Kim, quay lại phía Nam đến xã Phú Vinh, trở về Nhà Văn hóa Trung tâm và kết thức buỗi Lễ Phát động. Lễ Phát động đã khởi động các hoạt động tuyền thông giáo dục sức khoẻ đến với cộng đồng, tổ chức tẩm màn ngủ bằng hóa chất để phòng chống muỗi truyền bệnh, giám sát, phát hiện và điều trị bệnh tại các cơ sở.

 
 Thị trấn A Lưới với băng khẩu hiệu tuyên truyền ngày Thế giới PCSR 25/4

Ngoài ra, các cơ quan thông tin đại chúng của trung ương và địa phương cũng đã quan tâm đưa tin buổi Lễ Phát động, phỏng vấn lãnh đạo Trung tâm Phòng chống Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng và giúp đỡ phát đi những thông điệp truyền thông giáo dục sức khoẻ nhân Ngày Thế giới Phòng chống Sốt rét trong chuyên mục “Sức khoẻ cộng đồng” của Đài Phát thanh-Truyền hình Thừa Thiên Huế. chuyên mục “Bạn cần biết” của Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Thành phố Huế; Báo Thừa Thiên Huế; bản tin thời sự của Trung tâm truyên hình việt Nam tại Huế, Đài Truyền hình trung ương VTV1 … Sau buổi Lễ Phát động, để thiết thực triển khai các hoạt động nhân Ngày Thế giới Phòng chống Sốt rét, đúng vào ngày 25 tháng 4 năm 2009, Sở Y tế đã tổ chức đoàn công tác y tế phối hợp nhiều đơn vị thực hiện nhiệm vụ chính trị giúp bản K’Lô, huyện K’Lưm, tỉnh Xêkông thuộc nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào bảo vệ sức khoẻ cho người dân bản tại đây vừa di dân tự do đến định cư ở vùng đất mới sát biên giới Việt-Lào, thể hiện chủ đề “Sốt rét là một bệnh không biên giới” mà Tổ chức Y tế Thế giới đã đề ra trong Ngày Thế giới Phòng chống Sốt rét năm 2008, là năm đầu tiên được tiến hành ở tất cả các quốc gia trên toàn cầu.

 

Chuyên mục:Tin y tế

Lễ hội đâm trâu ở A Lưới

Hàng nghìn người dân  và du khách cùng đại diện 20 hãng lữ hành trong nước đã tham dự. Ngày hội là dịp giao lưu, biểu diễn  các thể loại dân ca, dân nhạc, dân vũ, trang phục  truyền thống  và thi đấu thể thao  của hơn 200 diễn viên, vận động viên  các dân tộc  thiểu số sống ven dãy Trường Sơn của tỉnh Thừa Thiên – Huế  gồm: Cơ Tu, Pa Cô, Tà Ôi, Pa Hy, Bru – Vân Kiều… 

 

Đâm trâu

 

Múa hát cổ vũ người đâm trâu

 

Quang cảnh trước khi diễn ra lễ hội đâm trâu

 

Các cô gái người dân tộc trong đoàn rước Yang

 

Rất đông khán giả đến xem lễ hội đâm trâu

Phật giáo huyện A Lưới vận động trên 1,5 tỷ đồng

Được sự giúp đỡ của Ban Đại diện Phật giáo quận Tân Bình và chùa Giác Châu – TP.HCM, sáng ngày 14 -11, Ban Đại diện Phật giáo huyện A Lưới – Thừa Thiên Huế đã trao 100 phần quà gồm gạo, mì ăn liền tiền mặt, trị giá 220.000 đồng một phần cho bà con có hoàn cảnh khó khăn, bị thiệt hại nặng nề trong cơn bão số 9 vừa qua tại xã Hương Nguyên của huyện.
Toàn huyện có 21 xã và một thị trấn, đa số là người dân tộc thiểu số gốc Vân Kiều, Ka Tu, Tà Ôi, Cô sinh sống bằng nghề làm rẫy trồng khoai sắn, bình thường kinh tế khó khăn. Sau cơn bão số 9 và 11, cuộc sống lại càng khó khăn hơn, nhấtt là 4 xã: Hồng Thủy, Hồng Trung, Hồng Vân, Hồng Kim khi bị thiệt hại khá nặng nề.

 

Phật giáo Q. Tân Bình phát quà cho đồng bào huyện A Lưới

Theo Ban đại diện, đến nay Phật giáo địa phương đã vận động được 20 đoàn từ thiện với trên 4.000 xuất quà trị giá trên 1,5 tỷ đồng giúp bà con vượt qua khó khăn ổn định đời sống do bão lũ gây ra.
Điều cần lưu ý đối với các đoàn từ thiện khi đến với bà con huyện A Lưới là địa hình nơi đây rất hiểm trở, có ba đèo cao quanh co bên cạnh các vực sâu nguy hiểm. Trong đó, đèo Kim Qui dài 16 km rất hẹp. Vì vậy khi đến đây, các đoàn nên liên hệ với địa phương để được hướng dẫn đi đường an toàn, nhất là các loại xe có trọng tải lớn.

Niềm vui khi nhận quà

 

Đường vào huyện A Lưới quanh co, nguy hiểm
Tin, ảnh: Linh Toàn
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Những khoảnh khắc sống của người miền núi

Ba dân tộc tỉnh Thừa Thiên – Huế: Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Cô là chủ đề cuộc triển lãm ảnh đang diễn ra tại TP Huế của nhà nhiếp ảnh người Pháp Sébastien Laval.

Huy và Son ở huyện A Lưới – Ảnh: Sébastien Laval

Triển lãm là kết quả của chuyến thực tế sáng tác hồi tháng 3-2008, gồm 36 bức ảnh đen trắng chụp về sinh hoạt đời thường của ba dân tộc thiểu số nói trên tại hai huyện miền núi Nam Ðông và A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Tự giới thiệu về triển lãm, tác giả bộc bạch: “Tôi đã có khoảng mười ngày sống gần những con người ấy để nhìn ngắm cuộc sống của họ, nói chuyện và chụp ảnh họ. Cuộc gặp gỡ được minh họa qua các bức ảnh. Tôi hi vọng chúng sẽ giúp các bạn khám phá khuôn mặt của những người dân nơi đây”.

Triển lãm kéo dài đến hết ngày 4-1-2010.

THÁI LỘC