Trang chủ > Tin văn hoá - xả hội > TT Huế: Tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, miền núi

TT Huế: Tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, miền núi

TT Huế là địa phương có hai huyện miền núi là A Lưới và Nam Đông, 4 huyện có xã miền núi, với tổng số 46 xã miền núi, 33 xã có đồng đồng bào dân tộc thiểu số. Hầu hết các xã miền núi thuộc diện khó khăn. Trong những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương, nhiều nguồn lực đã được tỉnh TT Huế huy động để tập trung đầu tư phát triển kinh tế – xã hội cho vùng dân tộc thiểu số, vùng miền núi của tỉnh.
Thực hiện chính sách dân tộc, những năm gần đây TT Huế đã tập trung chỉ đạo các ngành, các địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án, đặc biệt là các chương trình 134, 135 của chính phủ; chương trình hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số; chương trình nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc; chính sách định canh, định cư; chính sách vay vốn không lãi hỗ trợ phát triển sản xuất;  đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở… Tại các xã miền núi, các công trình hạ tầng thiết yếu như: điện, đường, trường học, trạm y tế, thuỷ lợi…được xây dựng kiên cố thực sự đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.


Nhiều chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất đã thực sự giúp đồng bào A Lưới ổn định cuộc sống (Ảnh: internet)

Ông Nguyễn Văn Phơm, Bí thư Đảng uỷ xã Đông Sơn, huyện A Lưới cho biết: Sau khi đến định cư ở vùng kinh tế mới, Đảng bộ và nhân dân xã Đông Sơn luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương. Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội được đầu tư  khá đầy đủ. Đời sống đồng bào hiện nay chủ yếu dựa vào phát triển sản xuất nông – lâm nghiệp, các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất đã thực sự giúp đồng bào ổn định cuộc sống.
    
Hằng năm, từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số, vùng núi tỉnh TT Huế đạt bình quân 300 tỷ đồng trên năm. Trong đó tập trung cho các dự án: xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất; đào tạo nguồn nhân lực; các chương trình hỗ trợ đời sống, xã hội…. Cơ sở hạ tầng các xã miền núi được đầu tư đồng bộ, khang trang. Thông qua các chương trình, dự án đầu tư của Trung ương và địa phương,  đến nay 100% số xã có trường tiểu học và trung học cơ sở được đầu tư kiên cố và bán kiên cố; 100 % số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% xã có điện lưới quốc gia, các công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng, phát huy hiệu quả, 98% xã có trạm y tế đạt chuẩn phục vụ tốt nhu cầu khám và chữa bệnh của nhân dân.

Cùng với các chương trình, dự án của chính phủ, UBND tỉnh TT Huế cũng đã bố trí lồng ghép nhiều chính sách, chương trình vào các xã. Huy động các nguồn lực, bình quân cho mỗi xã gần 3 tỷ đồng/năm, nhiều xã đặc biệt khó khăn được đầu tư trên 4 tỷ đồng trên năm. Những chương trình lồng ghép cũng đã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế – xã hội tại các xã, thôn, bản đăc biệt khó khăn. Nhiều chương trình có ý nghĩa dân sinh lớn đã được thực hiện như: chương trình xóa nhà tạm; chương trình định canh định cư.  Bên cạnh đó các địa phương cũng đã triển khai có hiệu quả các quyết định 32 của chính phủ về vốn vay không lãi giúp đồng bào thuận lợi trong phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi. Quyết định 33 của UBND tỉnh về hỗ trợ di dân tái định cư giành cho đồng bào dân tộc thiểu số, hình thành các vùng định canh định cư tập trung nhằm ổn định cuộc sống cho đồng bào.

Phát triển sản xuất đã chuyển đổi phù hợp với định hướng phát triển của các địa phương. Đồng bào dân tộc thiểu số đã từ bỏ phương thức canh tác lạc hậu, du canh, du cư, đốt nương làm rẩy, đã ổn định định canh định cư để phát triển sản xuất. Bước đầu đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo. Các chính sách xã hội đã được quan tâm, nhất là các chính sách hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất; giải quyết việc làm; y tế, giáo dục; chính sách đối với người có công với cách mạng…. Đời sống văn hóa, tinh thần cũng không ngừng được nâng lên, tạo điều kiện để nhân dân các dân tộc sinh hoạt và tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống của dân tộc mình, vừa góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Ông Ngô Văn Chiến, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông khẳng định: Trong những năm qua, các chính sách dân tộc đã được chính quyền địa phương triển khai khá tốt và phát huy tính hiệu quả rất cao. Đời sống đồng bào dân tộc nói riêng và nhân dân vùng miền núi đã được cải thiện rõ rệt. Nhất là đã giảm nhanh được tỷ lệ hộ nghèo. Đây là những chính sách rất hợp lòng dân, từ đó đồng bào luôn tin tưởng vào những chính sách của Đảng và Nhà nước, ra sức thi đua phát triển sản xuất, xây dựng đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện ngày càng đi lên.

Tuy nhiên, hiện nay phát triển kinh tế xã hội tại vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số tại tỉnh TT Huế vẫn còn nhiều hạn chế. Trong tổng số 46 xã miền núi của tỉnh, số xã thuộc vùng khó khăn, xã đặc biệt khó khăn, số lượng hộ nghèo theo chuẩn mới vẫn chiếm một số lượng khá lớn. Nhiều nơi kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ và hỗ trợ phát triển sản xuất. Nhiều công trình đầu tư nhưng chưa phát huy hiệu quả trong khâu quản lý và sử dụng tại cộng đồng. Ý thức tự thoát nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa cao, vẫn còn tư tưởng trông chờ ỷ lại. Tính chất thoát nghèo, giảm nghèo chưa bền vững. Nguồn nhân lực nhiều địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội tại cơ sở. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên miền núi, thanh niên đồng bào dân tộc còn nhiều hạn chế…đây là những vấn đề  được chính quyền địa phương và các cấp ngành hết sức quan tâm, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình, các chính sách dân tộc, miền núi trong thời gian.


Tỉnh TT Huế đã và đang giành nhiều nguồn lực tập trung đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi  nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội

Bà Nguyễn Thị Sửu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh TT Huế cho biết: Là cơ quan quản lý nhà nước về các chính sách dân tộc và miền núi, Ban Dân tộc tỉnh cũng đã hoạch định kế hoạch từ 2011 – 2012, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành những chính sách, quyết định dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi của tỉnh phù hợp với nhu cầu thực tế tại mỗi địa phương. Đổng thời , ban cũng đề nghị với Ủy ban dân tộc sẽ quan tâm ban hành thêm nhiều chính sách dân tộc mới trong thời gian tới. Tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ để giảm nhanh tỉ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số, vùng núi của tỉnh TT Huế gắn với phát triển kinh tế, xã hội bền vững.

Trong thời gian tới, cùng với việc tiếp tục tập trung chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án của chính phủ , tỉnh TT Huế đã và đang giành nhiều nguồn lực tập trung đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi  nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội. Với quyết tâm xây dựng vùng dân tộc, miền núi của tỉnh giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, ổn định và cải thiện điều kiện sống, sức khỏe, nâng cao dân trí, ổn định chính trị, giữ vững an ninh quốc phòng, giảm dần sự cách biệt về phát triển giữa các vùng…Từ đó , góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra.         

Thanh Hải

  1. Không có bình luận
  1. No trackbacks yet.

Bình luận về bài viết này