Trang chủ > Tin văn hoá - xả hội > UBND huyện A lưới cần xem xét làm rõ nguồn gốc đất của các hộ phân lô kinh doanh

UBND huyện A lưới cần xem xét làm rõ nguồn gốc đất của các hộ phân lô kinh doanh

TRT nhận được đơn thư của một số hộ dân đang sinh sống và kinh doanh tại chợ Bốt Đỏ, thuộc xã Phú Vinh, A Lưới kiến nghị về công tác đền bù giải tỏa thực hiện dự án xây dựng chợ Bốt Đỏ. Vấn đề chính được những hộ dân ở đây nêu ra là không đồng tình với việc áp giá đền bù về đất và tài sản trên đất, bên cạnh đó, nhiều hộ không được đền bù dù họ đã kinh doanh ở đây hàng chục năm nay. Nhóm phóng viên chương trình đã trực tiếp tìm hiểu những nội dung kiến nghị này và có ghi nhận như sau.

Một số hộ dân đang sinh sống và kinh doanh tại chợ Bốt Đỏ kiến nghị về công tác đền bù giải tỏa thực hiện dự án xây dựng chợ Bốt Đỏ

Theo trình bày của người dân, thì họ đến kinh doanh và sinh sống tại chợ Bốt Đỏ, xã Phú Vinh, A Lưới từ trước năm 1980. vào năm 1993, UBND huyện A Lưới xét thấy việc xây dựng nhà và buôn bán ở đây mất thẩm mỹ nên đã thu hồi lại đất nhưng chưa có đền bù, sau đó sắp xếp quy hoạch phân lô lại mỗi lô chừng 12 m2 và giao lại cho họ. Trước khi nhận lại lô đất đã được sắp xếp, người dân phải đóng tiền đất là 180.000 đồng/hộ mặt tiền và 120.000 đồng/hộ phía sau. Số tiền này do UBND xã Phú Vinh thu. Đến năm 2003, thực hiện dự án mở rộng đường Hồ Chí Minh, đoạn qua chợ Bốt Đỏ, UBND huyện A Lưới đã kiểm kê áp giá đền bù đối với số hộ này. Sau đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt giá trị bồi thường, nhưng chỉ có 4 hộ được bồi thường về đất, số còn lại là những hộ kinh doanh được phân lô từ năm 1993 chỉ được bồi thường về tài sản trên đất. 


Mặt bằng chợ Bốt Đỏ đã giải tỏa

Năm 2010, UBND huyện A Lưới tiến hành thu hồi đất quy hoạch xây dựng lại chợ Bốt Đỏ, chỉ có những hộ đang làm nhà ở trong chợ mới được bồi thường về đất và tài sản, còn số hộ kinh doanh theo sự sắp xếp của UBND huyện từ năm 1993 không được bồi thường hỗ trợ gì. Bên cạnh đó, cũng theo người dân, ngay chính những hộ được bồi thường, thì việc áp giá vẫn còn chưa thỏa đáng.

Để làm rõ những vấn đề người dân trình bày, nhóm phóng viên chương trình đã trực tiếp tìm hiểu tại UBND xã Phú Vinh và UBND huyện A Lưới. Tại buổi làm việc với Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư huyện, chúng tôi được biết: dự án xây dựng chợ Bốt Đỏ, A Lưới được UBND tỉnh TT Huế phê duyệt từ năm 2004. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên đến cuối năm 2008, huyện A Lưới mới bắt đầu tiến hành việc lập thủ tục đầu tư xây dựng chợ. 


PV làm việc với Hội đồng bồi thường

Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, đại diện Hội đồng bồi thường hỗ trợ và TĐC huyện giải thích: qua khảo sát, thống kê và kiểm tra thực tế, tại chợ Bốt Đỏ cũ có 3 nhóm hộ: nhóm kinh doanh trong đình chợ, nhóm kinh doanh theo phân lô của UBND huyện vào năm 1993, và nhóm các hộ dân có nhà ở trong khuôn viên chợ từ năm 1976 đến nay. Trên cơ sở đó, UBND huyện A Lưới đã ban hành các Quyết định 916 ngày 7.9.2010, 1524 ngày 28.12.2010, 573, 574 ngày 20.4.2011 phê duyệt giá trị đền bù về đất đai và tài sản cho các hộ có nhà ở trong chợ này. Có 21 hộ trong diện này được đền bù về đất và tài sản trên đất, đồng thời được tái định cư tại chỗ sau khi xây dựng lại chợ. Riêng nhóm các hộ kinh doanh theo phân lô của huyện vào năm 1993, thì do họ đã được bồi thường 1 lần vào năm 2003, nhưng vẫn được cho tiếp tục ở lại kinh doanh trong chợ nên bây giờ giải tỏa không được bồi thường. Theo trình bày của Hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư huyện, thì vào năm 2003, khi Nhà nước đầu tư dự án đường Hồ Chí Minh, tại ngã 3 Bốt Đỏ quy hoạch mở rộng nút giao với QL49, có 23 hộ thuộc nhóm này bị ảnh hưởng. Tại quyết định phê duyệt đền bù số 2528 ngày 5.9.2003, 23 hộ này đều chỉ được đền bù về tài sản trên đất, còn về đất do căn cứ vào tờ khai nguồn gốc của các hộ được UBND xã Phú Vinh xác nhận, và quy hoạch phân lô của huyện vào năm 1993, nên các hộ này không được đền bù. Sau đó, 23 hộ này đều đã nhận tiền chi trả đền bù và có cam kết giao mặt bằng mà không có khiếu nại gì.

Trong vụ việc này, luật sư Lê Thị Trà My, người cùng tham gia tìm hiểu với chúng tôi cho rằng: vấn đề mấu chốt là việc làm rõ nguồn gốc đất mà 23 hộ kinh doanh trong chợ Bốt Đỏ đang sử dụng. Người dân thì cho rằng họ sử dụng ổn định từ trước năm 1980, khi huyện quy hoạch phân lô lại chưa đền bù cho họ, đến năm 2003, họ chỉ được đền bù về tài sản chứ không đền bù về đất. Trong khi đó, đối với những lô đất mà các hộ này đang kinh doanh, hiện tại không có một văn bản nào ghi nhận sự quản lý của Nhà nước. Việc quy hoạch phân lô lại vào năm 1993 chỉ là một sự sắp xếp lại các lô quầy kinh doanh. Tuy nhiên, về phía các hộ kinh doanh mặc dù đang sử dụng đất, nhưng từ trước đến nay, họ cũng chưa hề đóng thuế đất hàng năm cho Nhà nước. Mặt khác, hồ sơ địa chính ở khu vực này cũng không có. Do đó UBND huyện cần xác minh làm rõ vấn đề này, để đảm bảo các căn cứ theo quy định của Luật đất đai.

Bên cạnh vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, một vấn đề khác đặt ra mà UBND huyện cần quan tâm, đó là khu chợ tạm hiện đang tồn tại dưới hệ thống điện trung thế và hạ thế. Do đó, cần có những phương án bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là khi có mưa gió xảy ra. Ngoài ra,  đối với chợ Bốt Đỏ sau khi xây dựng hoàn thành, UBND huyện A Lưới cũng cần có chính sách ưu tiên cho 23 hộ ở chợ cũ nhận lô kinh doanh ở chợ mới.

Bài và ảnh : NGỌC HUY

  1. Không có bình luận
  1. No trackbacks yet.

Bình luận về bài viết này